Archive for 2019


NGUYỄN VĂN HỌC

Mùa Đông tất bật. Mưa gió vần vũ và lạnh cóng. Người đi đường lúp xúp áo mưa và nón mũ cố để cho bớt lạnh, ai cũng có cảm giác run run.

Thiện gấp lại sổ, tắt điện phòng, anh rời cơ quan lúc trời đã nhá nhem tối. Thiện định qua chợ mua thứ gì đó ngon ngon cho thằng con mới ốm khỏi ở nhà, nhưng anh chợt nghĩ, có lẽ vợ mình đã mua. Anh lái theo con phố cũ. Đầu anh ong ong nhớ tới lời vợ ban sáng: “Anh Tùng bạn anh nhìn thì có vẻ khù khờ, thế mà lại giỏi giang. Em chả biết bao giờ anh mới sắm được ô tô như anh ấy”. Lúc vợ buông câu đó, Thiện chỉ thở dài. Ô hay, gia đình Tùng thì kệ họ chứ, sao lại đi so sánh?



Thật ra vợ Thiện đã sống kiểu đặt gánh nặng lên vai chồng từ lâu. Ngày yêu nhau, lúc đi học giáo lý gặp các cặp đôi khác ở nhà thánh, Hiền đâu có vậy. Cô ấy thơm thảo, tốt với mọi người và lúc nào cũng ăm ắp niềm tin rằng: “Có tình yêu, thủy chung thì điều gì cũng làm được”. Thế rồi cưới nhau xong, có một mặt con, cô ấy ra đời làm công ăn lương, từ lúc nào đã biết đứng núi này trông núi nọ, còn tỏ ra coi thường chồng không kiếm được nhiều tiền. Thiện thấy rằng cuộc sống của mình không đến nỗi nào. Tiền tiêu, ăn uống cũng đâu có kham khổ. Anh cũng đã cố gắng hết sức để có thể lo liệu tốt nhất cho gia đình. Chẳng hiểu Hiền nghĩ gì nữa. Nhiều lần vợ chồng vùng vằng nhau chuyện kinh tế, chuyện công việc của hai vợ chồng. Bao giờ Thiện cũng nín nhịn. Anh luôn nhắc mình sẽ không chấp nhặt vợ. Một khi anh chấp, tình trạng chỉ diễn biến xấu hơn thôi. Vậy mà...
Bóng tối đổ xuống sầm sập, trộn với ánh đèn thành sắc màu nhập nhoạng, tan loãng. Đến một con phố, vì mưa anh đi chậm. Anh mê man nghĩ về kế hoạch sắp tới. Thiện chợt dừng lại. Dưới gốc cây ven đường, có một người mặc chiếc áo len cũ, đang nửa nằm nửa ngồi rên rỉ. Là ai nhỉ? Lòng hào hiệp thôi thúc Thiện tiến lại gần xem là ai. Đó là một bà già nhăn nhó với cơn đau, toàn thân run bần bật. Thiện hỏi:
- Bà ơi, bà làm sao thế?
- Tôi bị ngã, đau quá. Gẫy tay rồi!
Thiện đỡ bà ngồi thẳng dậy và hỏi han tình hình. Bà già nói mình từ xa đến đây tìm thằng con lêu lổng, nó bỏ đi cả tháng không được. Mấy ngày qua bà lang thang tìm con. Phố xá rờn rợn Đông. Đi đến cái dốc phố, vừa đói vừa mệt, mà những chiếc xe máy cứ lao vù vù, khiến bà sợ, trượt chân ngã gẫy tay. Lúc ngã trời nhá nhem tối, chẳng có ai để ý đến một người như bà. Nước mắt bà ứa ra. Đôi bàn tay nhăn nheo buốt giá. Anh thưa: “Để cháu đưa vào vào viện”.
Bà lão cảm kích, đồng ý để Thiện đỡ đứng dậy.
- Nào, bà ngồi lên xe cháu. Để cháu đỡ bà, thế, thế, được rồi, bà cứ ngồi yên nhá. Một loáng là đến bệnh viện, bà sẽ được băng bó tử tế.
Vừa đi bà lão vừa rên vì đau và lạnh. Thiện nghe như hai hàm răng bà va vào nhau, hàm răng anh cũng cùng cảnh ngộ. Gió lạnh liếm vào mặt người. Phố chênh chao dòng người.
- Chú tốt quá, tôi cảm ơn chú nhiều. Nếu không có chú…
- Có gì đâu bà, bà cũng như mẹ cháu ở quê, chẳng may ra nông nỗi này. Gặp bà lúc hoạn nạn, chắc ai cũng sẽ làm vậy.
- Vâng, tôi thì tôi thấy chú tốt quá. Người gì mà nhân hậu!...
Trong ít phút ngồi xe, bà lão đã kịp thổ lộ chuyện chồng mất sớm, chẳng đủ sức dạy dỗ hai cậu con trai. Con lớn cũng là kẻ vào tù ra tội, chẳng đỡ đần được mẹ và em. Con thứ lêu lổng. Ngày nhỏ bà còn bảo được. Giờ bà già rồi. Đôi chân biếng nhác của thằng con chạy nhanh hơn những lời dạy dỗ của bà. Lắm lúc bà thấy bất lực. Thế mới biết, người đàn ông có tầm quan trọng thế nào với mỗi tổ ấm...

***

Đến viện, Thiện đưa bà vào làm thủ tục, đưa đến phòng cấp cứu, đi chụp xương, xét nghiệm, lên phòng bó bột, rồi trở lại phòng điều trị. Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ đêm. Bụng đói, người mệt. Ngoài cửa gió vẫn rít gào. Anh nghĩ việc của mình thế là xong. Vợ con anh ở nhà chắc đang mong lắm. Thiện chạy xuống căng tin bệnh viện mua một hộp cháo trao cho bà. Căn phòng còn những người thăm nuôi bệnh nhân xúm lại giúp.
Rồi anh thưa:
- Bà hãy nghỉ ở đây, nếu mai rảnh cháu sẽ trở lại.
Lúc này, bà lão đã nói một câu làm anh đứng sững:
- Này, chú, chú đâm xe vào tôi, giờ lại bỏ đi ư? Chú phải ở đây chăm tôi chứ!
Thiện như rụng rời cả chân tay. Toàn thân muốn sụp xuống. Cái lạnh và sự bất ngờ khiến anh đứng không vững.
Anh nhìn bà lão. Bà lão cũng nhìn anh trân trân. Nhiều con mắt đổ dồn về phía anh. Vài bác sĩ ở đó giữ anh lại, như thể họ sợ kẻ gây ra tai nạn cho bà già sẽ chạy mất. Bà lão tiếp:
- Các bác ạ, chú này đâm xe máy vào tôi đấy. Chú ấy phải ở lại đây!
Trời đất, tại sao thế này? Sao bà nói tôi đâm vào bà. Chính tôi là người đã cứu giúp bà, thế mà bà lợi dụng để ăn vạ. Tình ngay lý gian, anh không giải thích được, có giải thích cũng không ai nghe. Mấy bác sĩ đòi giữ lại giấy tờ của anh để anh khỏi chạy.
- Tôi ở đây là được chứ gì. Tôi cũng đã đóng tiền viện phí. Mọi người phải hiểu tôi chỉ là người đi đường, thấy bà lão gặp nạn thì giúp. Ai ngờ... - Thiện nói.
- Không, anh cứ bỏ giấy tờ của anh ra. Anh đâm vào bà ấy, giờ phải gánh trách nhiệm, không thể bỏ đi được. Cứ giữ giấy tờ cho chắc chắn - một người trong số họ nói, những người kia hùa theo.
Thiện bỏ giấy chứng minh thư cá nhân, thẻ ngành ra. Xong họ nói anh có thể về ăn cơm, việc của bà già đã có các bác sĩ, hai ngày sau anh trở lại đây thanh toán viện phí.
Giờ thì bà già đã đỡ lạnh và đang được băng bó an toàn.
Thiện thờ thẫn trở về, lòng dớn dác buồn bã vì lòng tốt của mình bị người khác hiểu lầm và lợi dụng.
Anh chán cơm và mệt mỏi nằm ra giường, đầu óc ám ảnh mãi hình ảnh bà lão bị ngã. Thiện kể chuyện vừa rồi với vợ, những tưởng sẽ được sự cảm thông của vợ, ai ngờ cô ấy nổi giận, nói anh khù khờ, dễ dãi, giúp người chẳng được lời cảm ơn, còn bị phụ bạc. Cô ấy còn mang tất cả những thói đời phụ bạc ra rót vào tâm trạng bời rối của anh.
- Thấy sáng mắt chưa anh? Chuyện nhà không lo, đi lo chuyện người. Nhìn anh là biết đù đờ. Đù đờ nên mới bị bắt nạt.
Bực bõ, chán nản, Thiện nổi cáu. Ô hay, sao lại quy chụp cho tôi? Tôi giúp người chứ có phải hại người đâu. Tại sao một việc làm tốt như thế lại bị mắng!
- Thì tôi đù đờ dại dột đấy. Cô cũng chỉ là vợ tôi thôi nhá.
Do bị dồn nén, uất ức, Thiện thốt lên. Anh thấy ruột gan rối bời.
Vợ Thiện thấy chồng phản ứng, mặt đỏ gay, liền độp lại:
- Trời ơi là trời, anh ăn phải bùa phải bả ở đâu cái thói thương người ngoài chứ có thương vợ thương con đâu. Gọi điện thì không liên lạc được. Anh cứ giúp cái thân anh đi đã, rồi hẵng giúp người. Bây giờ về còn càu cạu với vợ con.
Sao sự thể lại ra nông nỗi này?
Mặt mũi Thiện tím tái. Sự truy vấn của vợ bấy lâu nay đã làm anh mệt mỏi. Đúng là tội nợ. Tại sao? Tại sao?
Suốt mấy năm qua, Hiền cứ mở miệng là đòi chồng phải thế này thế nọ. Sự thực dụng đã ăn vào máu Hiền. Cuộc sống vợ chồng trẻ, lập nghiệp nơi thành phố lúc nào cũng nườm nượp ngột ngạt, ăm ắp lo âu, lại vớ phải người vợ thực dụng. Đã chẳng chung lưng đấu cật cùng nhau, lại còn đẩy anh trượt lên đường ray áp lực. Cách đây ba tháng còn đòi anh phải chi năm mươi triệu để đầu tư vào món tiền ảo “bít coi” gì đó. Khi ấy, giải thích cho vợ không được, anh đành để cô ấy làm gì thì làm. Vậy là tiền khuân đi, ban đầu có tý lãi, sau đó giá xuống dốc không phanh. Tiền ảo và mơ hão. Khổ nỗi ước mơ luôn ở trên cao, mà con người không thể có cánh. Ba ngày trước Thiện hỏi đến khoản đó, Hiền làu bàu: “Thành mây khói rồi. Thua keo này bày keo khác vậy!”.
Quá ngột ngạt, dù biết trời đã khuya, Thiện vẫn bỏ ra ngoài. Trời mưa nặng hạt, gió lạnh rít ràn rạt. Thiện sang nhà một ông bạn ở gần nhà, cốt để nói chuyện vui cho khuây khỏa. Nhưng chẳng may miệng anh lại thốt ra chuyện về bà lão nọ. Ai ngờ ông bạn lại lên lớp: “Trời, ông thương người thì thiệt đến thân. Thời đại này, những kẻ ăn vạ như thế nhiều lắm. Tốt nhất là thấy tai nạn, cứ đi qua càng nhanh càng tốt. Mình không giúp, đã có người khác. Tội gì!”
Thiện thở dài. Mình mẩy đã rã rời, nay càng nặng nề hơn.
- Tôi không nghĩ bà ấy lại vu vạ. Chắc phải có lý do gì đó.
Dù bạn nói thế nào Thiện cũng tin mình đã làm đúng. Trong cuộc đời, thể nào cũng có những góc khuất của số phận, và có những ô vuông của cuộc sống dành cho tình người. Cuộc đời này phải có những người hy sinh lợi ích cá nhân để cho cái chung chứ.
Chào bạn anh về. Phố trườn vào đêm. Anh thả người vào cơn mê mệt...
Hai hôm sau, Thiện trở lại bệnh viện, bà lão đã đỡ đau nhiều, giờ có thể về và đợi ngày tháo băng. Anh không tỏ thái độ gì tức giận hay trách móc bà già đã lấy oán báo ơn. Anh vẫn từ tốn thưa gửi và cư xử lễ phép, nhẹ nhàng. Bà lão cũng không có vẻ gì của một người muốn đòi bồi thường nữa. Thực ra, anh rất sợ bà đòi bồi thường một cách vô lý. Nếu bà làm vậy thì anh không thể cưỡng được, vẫn phải rút ví thôi, vì không có cách nào để giải thích. Người ta đã giữ các thứ giấy tờ quan trọng của anh.
Thiện làm thủ tục thanh toán bệnh viện, lấy thuốc và trả thêm tiền chi phí ăn uống cho bà lão. Vợ anh tức tối gọi điện hỏi xem hết bao nhiêu tiền.
- Đáng là bao đâu em - Thiện nói - đó là bà già, hết có mấy trăm nghìn thôi, người ta giảm cho bà già. Anh sẽ đưa bà ấy ra bến xe.
Hiền nói cộc lốc một câu: “Đồ khỉ gió!’’ rồi cúp máy.
Anh lại nhủ, hãy hãm mình, nhẫn nại. Vợ anh rồi cũng phải hiểu ra việc làm của chồng. Anh sẽ vẫn nói với cô ấy, chúng ta là gia đình tín hữu Kitô, phải làm việc bác ái. Mọi chuyện sẽ vào quỹ đạo êm ấm. Anh tin thế.
Chi phí toàn bộ hết hơn hai triệu, Thiện vui vẻ chấp nhận. Anh đưa bà lão ra bến xe, còn mua cho bà một chục chiếc bánh mỳ về làm quà. Bà lão rưng rưng xúc động nhìn anh. Thiện bảo:
- Đây, từ bến xe này, bà đi xe kia nhé. Nhanh thì năm giờ về đến nhà.
Bà già chắp cả hai tay trước ngực, phóm phém nói:
- Cảm ơn chú, cảm ơn chú nhiều lắm. Nếu không có chú...
Lúc này, khi bà sắp lên xe ô tô để về quê, Thiện mới hỏi:
- Tại sao bà lại nói với mọi người là cháu đâm vào bà. Cháu chỉ là người giúp. Bà đã làm cháu khó xử?
Mắt bà lão rơm rớm nước, nhìn thẳng vào đôi mắt Thiện, tỏ đầy sự biết ơn và xúc động, nói:
- Chú à. Bà xin lỗi chú. Vì nhìn dáng người và nhìn thấy chú đeo hình cây thập tự trên cổ, bà biết cái lòng của chú tốt. Nếu lúc đó không làm vậy, bà biết trông cậy vào ai. Một mình bà ở cái chốn này, sẽ khó tìm được người giúp. Thôi, bà xin và cảm tạ tấm lòng chú.
Một lần nữa, bà lão khiến Thiện bất ngờ. Nhưng lần này là sự vỡ òa của cảm xúc tin yêu.
Thì ra bà lão đã bấu víu vào lòng tốt của một người mà bà nghĩ tấm lòng anh ta rộng lượng. Tâm trạng Thiện được giải phóng khỏi những nghi ngờ. Bà làm vậy là bất đắc dĩ. Trong lúc không biết trông vào ai nơi đất khách quê người bà đã nói dối. Thiện mỉm cười. Bà già vớt vát thêm:
- Chú tha lỗi cho già này nhé. Chính chú đã cho bà thấy ở đời còn nhiều người tốt.
Thiện chào bà, bà bước lên xe. Anh quay về cơ quan, nhủ lòng sẽ giữ kín chuyện, bởi nếu nói với vợ, sẽ lại bị phê phán vì thương người mà thiệt thân.

Sưu tầm

TÌNH NGƯỜI

Một người làm nghề bảo vệ, làm thuê cho một gia đình giàu có, công việc không quá áp lực chỉ đơn giản là mở cửa xe cho chủ nhà và gác cổng, nhưng thái độ của ông chủ luôn khiến anh cảm giác như mình bị hắt hủi. Mỗi sáng, khi xe ông chủ đi đến cổng, anh đều gập đầu cúi chào và chiều về cũng vậy; nhưng anh chưa bao giờ nhận lại từ ông một cử chỉ đáp lại.


Cứ chiều về, anh thường tranh thủ chạy ra bên ngoài tìm kiếm đồ ăn thừa trong túi rác bên ngoài biệt thự. Có lần, anh bị ông chủ bắt gặp, nhưng ông cũng không biểu hiện một thái độ nào trên nét mặt. Sự lạnh lùng của ông chủ khiến anh có một cảm giác khó chịu nổi lên trong tâm mình.

Cũng kể từ ngày đó,anh thường hay thấy một túi giấy sạch sẽ, bên trong đựng rất nhiều thức ăn ngon được gói bọc cẩn thận đặt tại nơi mà anh vẫn lui đến tìm đồ ăn. Hôm đầu, anh nghĩ có lẽ ai đó đi siêu thị về để quên nên rất vui vẻ xách về cho mấy đứa con ở nhà.

Nhưng nhiều hôm về sau, ngày nào anh cũng bắt gặp túi thức ăn ngon được đặt sẵn ở đó.anh bảo vệ bắt đầu thắc mắc việc này thật kì lạ, sao ngày nào cũng lại có một túi thức ăn ngon được đặt ở đây nhỉ? Nghĩ miên man một hồi, rồi anh lại tự nhủ, chắc Đức Phật thương tình nên ban lộc cho mình, còn không thì anh cũng chẳng cần quan tâm nó từ đâu đến, miễn sao ngày nào vợ con anh cũng không đói là được rồi.

Cho đến một ngày, ông chủ qua đời. Hôm đó, có rất nhiều người qua lại, vì bận việc đón khách nên anh cũng chẳng còn thời gian nhớ đến túi đồ ăn nữa. Mấy ngày qua đi, khi công việc quay trở lại bình thường, anh lại đến tìm thức ăn như mọi khi. Chỉ có điều là, lần này anh không còn thấy túi thức ăn ngon được đặt sẵn ở đó nữa.

Ngày thứ nhất, anh bảo vệ nghĩ chắc ai đã nhìn thấy nó và nhặt rồi. Tuy nhiên, qua ngày thứ hai và ngày thứ ba, anh cũng không còn thấy túi thức ăn như ngày xưa đâu. Dần dần, bữa ăn gia đình của anh bảo vệ lại trở nên khó khăn khi thiếu những túi đồ ăn đó. Cuối cùng, anh nghĩ chỉ còn cách đề xuất tăng lương với bà chủ, nếu như bà không đồng ý chắc anh phải đi tìm một công việc mới có thể nuôi sống gia đình được.

Bà chủ của anh bảo vệ là một người phụ nữ có vẻ mặt phúc hậu và thánh thiện; đôi lúc, anh nghĩ thầm đúng là ông chủ chẳng xứng với bà. Khi nghe xong câu chuyện của anh, bà chủ tỏ ra rất ngạc nhiên, bởi vì trong suốt một thời gian dài, bà chưa bao giờ nghe anh phàn nàn về lương thấp hay thiếu thốn.

Thấy bà chủ như vậy, anh bảo vệ cũng không muốn giấu diếm gì; anh đem hết câu chuyện về túi thức ăn kể lại cho bà. Bằng chất giọng từ tốn và điềm tĩnh, bà chủ hỏi anh: “Từ khi nào anh không còn nhận được túi đồ ăn đó nữa?” Rất nhanh, anh bảo vệ đáp: “Dạ, từ khi ông chủ mất, thưa bà!”...

Suy nghĩ của anh ngừng lại khi thấy bà chủ đang cố che đi những giọt nước mắt. Một cảm giác day dứt cuộn lên trong anh bảo vệ, anh xin lỗi bà vì đã làm bà phải buồn lòng, anh hứa rằng sẽ tiếp tục ở lại làm việc và không đòi hỏi thêm bất cứ điều gì. Bà chủ chậm rãi bước đến gần anh bảo vệ và nói: “Tôi khóc bởi cuối cùng tôi đã tìm được anh. Tôi biết chồng tôi mỗi ngày đều mua thức ăn cho 7 người, tôi đã tìm được 6 người và cho đến hôm nay, tôi đã tìm được người thứ 7”.

Anh bảo vệ về nhà với những cảm xúc khó nói thành lời. Giờ đây, ngày ngày anh lại được nhận một túi thức ăn giống như trước, nhưng anh không phải chạy đến thùng rác bên đường nữa mà có một người đem đến tận nơi cho anh, đó chính là con trai của ông chủ. Lần nào nhận thức ăn, anh cũng “Cảm ơn” cậu ấy, nhưng cậu ấy giống y như cha mình, chưa một lần đáp lời với anh.

Có một hôm, anh cố ý nói thật to, bỗng dưng cậu chủ quay lại nói “Cảm ơn!” đáp lại. Lại một lần nữa tim anh như nghẹn lại, khi anh biết được một sự thật, cậu chủ bị bệnh nặng tai, giống y ông chủ đã quá cố của anh...

Có câu rằng: “Để hiểu được một người, cần cả một đời. Để hiểu được sự cố gắng của người đó, cần cả một quá trình”.Cuộc đời của người khác đang trải qua khó khăn và trắc trở gì; nếu chỉ dùng đôi mắt bình thường và cảm xúc cá nhân của mỗi người để nhìn, thì nhìn thế nào cũng vĩnh viễn không thấu được.

Đôi mắt có thể giúp bạn cảm nhận cuộc sống này nhiều mầu sắc đẹp đẽ hơn. Nhưng cũng đôi mắt đó với cái nhìn ích kỷ làm ta không thấy được sự khó khăn, sự đau khổ, sự mất mát... hay lòng tốt của người khác. Bởi vậy, hãy nhớ rằng đừng dùng đôi mắt để đánh giá tâm hồn hay nhân phẩm người khác, đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp...

Sưu tầm

SỰ LẠNH LÙNG ẤM ÁP


Phong Kiều dạ bạc


Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hàm Ninh

Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Trương Kế

Lương Châu từ


Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?

Vương Hàn

Tây tiến


Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Quang Dũng

Tiếng thu


Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Lưu Trọng Lư

Ngủ Với Trăng


Ta không nhấp rượu
Mà lòng ta say
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay
Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy,
Trên sóng cành, sóng áo cô gì má đỏ hây hây
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lảng
Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây
Gió nâng khúc hát lên cao vút
Vần thơ uốn éo lách rừng mây
Ta hiểu ta rồi, trong một phút
Lời tình chơi vơi giữa sương bay
Tiếng vàng rơi xuống giếng
Trăng vàng ôm bờ ao
Gió vàng đang xao xuyến
Áo vàng bởi chị chưa chồng đã mặc đi đêm
Theo tôi đến suối xa miền
Cõi thơ, cõi mộng, cõi niềm yêu đương
Mây trôi lơ lửng trên dòng nước
Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.

Hàn Mặc Tử

TUYỂN THƠ HAY



Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”

“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.

Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.

Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”

“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.

Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”

“Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”

“Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra rằng: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa?

Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại.

Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thân khác tự sẽ đủ!

Sưu tầm

HÀNH TRANG LÊN ĐƯỜNG




Một cô gái hỏi ông lão bán trứng: “Bao nhiêu tiền một quả trứng vậy ông?”

Ông lão trả lời: “Một đô hai quả thưa cô”.

Cô gái đáp: “Bán cho tôi một đô bốn quả, nếu không tôi không mua nữa”.

Ông lão: “Được thôi, cô lấy đi, đây là khởi đầu tốt vì có lẽ tôi sẽ chẳng bán được gì trong ngày hôm nay”.

Cô gái lấy trứng rồi hãnh diện bước đi. Cô cảm thấy mình đã trả được một món hời và đến một nhà hàng sang trọng gặp bạn bè. Ở đó, cô cùng các bạn ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Tàn tiệc, hóa đơn của của họ lên tới 420 đô la. Cô gái đưa 500 đô cho chủ nhà hàng và bảo không cần trả lại.

Sự việc có vẻ giản đơn nhưng lại thật đau khổ đối với ông lão bán trứng.

Nhiều người trong chúng ta luôn hào phóng với những người giàu có, mà lại quên đi tình người với những người khốn khổ.

Sưu tầm

MÓN HỜI VỚI NGƯỜI NGHÈO




Có một mẫu người, thầy tướng số không thể xem đúng mệnh được.

Lúc đó vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1981, thời tiết rất oi bức. Mấy đứa nhỏ muốn đi ra ngoài dạo chơi, tôi cũng thuận đường đến hiệu sách tìm mua mấy cuốn hướng dẫn đan len mới xuất bản bằng tiếng Nhật.

Khi đi ngang qua hành lang, vị thầy tướng số đã gọi lại và ngỏ ý muốn xem tướng cho tôi. Thấy tôi lắc đầu xua tay từ chối, vị thầy tỏ vẻ rất buồn giống như có điều bí ẩn gì khó nói.

Cô con gái lớn không đành lòng liền kéo tay tôi đến xem một chút và nói: “Mẹ cho ông này xem mệnh được không ạ? Giúp ông có ít tiền để ăn cơm được không mẹ? Nhìn ông đáng thương quá mẹ à”.

Tôi vốn là người không thích xem tướng số, cũng không có ấn tượng tốt về họ. Nhưng vì mấy đứa nhỏ quá lương thiện, tôi đã động lòng. Vậy là tôi đành để mấy đứa nhỏ kéo đến tiệm nhờ vị tiên sinh kia xem tướng cho.

Sau khi nhìn hồi lâu, xem tay của tôi rồi lại xem tay của từng đứa nhỏ, vị tiên sinh nói: “Không cần xem nữa, cũng không phải trả tiền, tất cả đều là số mệnh, con người không thể thay đổi dù chỉ một chút”.

Xem hồi lâu vị tiên sinh không nói gì nhiều cũng không muốn lấy tiền.

Nhưng bốn đứa nhỏ cứ nhất mực muốn tôi trả tiền cho thầy tướng số này.
Cuối cùng, vị tiên sinh xem tướng số cũng miễn cưỡng nhận tiền. Hai mắt ông đỏ hoe sờ lên đầu mấy đứa nhỏ và nói lẩm bẩm: “Ôi! Ông Trời thật không có mắt, ông Trời thật không có mắt!”.

Mấy đứa nhỏ nói lời tạm biệt, ông đã xua tay ra hiệu đi đi mà không nói lời nào. Tinh thần của ông lộ ra trạng thái vô cùng đau khổ.

Sau đó, đi ngang qua công viên, chúng tôi thấy một đám đông người đang tụ tập. Mấy đứa nhỏ rất thích những gì náo nhiệt, chúng vừa nhìn thấy đã vội chạy tới. Chúng len qua đám đông để vào xem nguyên nhân của sự náo nhiệt. Một lát sau, chúng chạy lại và kéo bằng được tôi tới xem.

Thì ra, một bà mẹ đang quỳ trên mặt đất cầu xin mọi người giúp đỡ. Bà cần một khoản tiền lớn để điều trị cho con trai đang nằm tại bệnh viện.

Mấy đứa nhỏ nói với người đàn bà đang quỳ trên mặt đất: “Bà ơi, bà không cần phải quỳ đâu, mẹ của cháu đến đây rồi, mẹ nhất định sẽ giúp bà lo việc này”.

Chúng hợp sức cùng nhau đỡ người đàn bà này đứng lên. Tôi không chỉ lấy hết tiền trong túi ra làm phúc mà còn hướng đến mọi người nói lời giúp đỡ bà mẹ đáng thương này. Sau đó, tôi cùng bà đến bệnh viện để nộp tiền viện phí.

Sau khi mọi việc được làm tốt đẹp, mấy đứa nhỏ mới chịu buông tha cho tôi và nói: “Mẹ à, cảm ơn mẹ! Chúng con sẽ không làm phiền mẹ nữa, về nhà thôi mẹ nhỉ!”.

Một tháng sau, không rõ lý do gì mà đàn kiến lũ lượt kéo đến nhà tôi, chúng bâu kín tường. Vì không muốn làm tổn thương chúng, tôi đã mua 20 chiếc ghế đẩu để làm lối đi lại.

Mấy đứa nhỏ nhìn thấy kiến kéo đến bâu khắp phòng đã vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên chúng lại rất nghe lời tôi, không làm phiền cũng không làm hại những con kiến này. Chúng cũng hiểu, kiến đến nhà là khách, lại càng biết đạo đãi khách, nên đã cẩn thận để vào góc nhà một ít đường và nước coi như là khao thưởng đàn kiến vì đã hành quân đến nhà tôi làm khách.

Lúc này là vào mùa hè, mấy đứa nhỏ không phải đến trường nên chúng ở trong nhà với người giúp việc. Công việc của tôi lại đang rất bận.

Khi đang trong cuộc họp, tôi lờ mờ nghe được thông tin về một đám cháy lớn. Tôi định bụng sau khi họp xong sẽ đến hiện trường để xem tình hình.

Thấy con đường quen thuộc quá, tôi nói với đồng nghiệp lái xe: “Tôi chưa vội về nhà. Tôi muốn đến hiện trường phát sinh hỏa hoạn, sao cậu cứ chạy về hướng nhà của tôi thế?”.

Đồng nghiệp trả lời rằng, chúng ta cách hiện trường đám cháy không xa, một lát nữa là đến thôi.

Do quá mệt nên tôi đã ngủ thiếp đi, khi nhìn thấy hiện trường tôi mới bừng tỉnh và thốt lên: “Đây là nhà tôi!”.

Tôi không kìm được vội chạy tới tòa nhà, lao thẳng lên tầng 3 tìm các con, miệng không ngớt nói: “Con của tôi đâu rồi? Con của tôi đâu rồi?”. Lúc này đội chữa cháy mới tá hỏa đi tìm, còn tôi bị sốc quá mức mà ngất đi.

Cuối cùng cũng đã tìm thấy, mấy đứa nhỏ đang ở trong tình trạng sặc khói và nằm lịm trên mặt đất. Do chỉ bị sặc khói nên đến nửa đêm, mấy đứa nhỏ đã tỉnh lại.

Điều mọi người kinh ngạc chính là căn phòng đầy sách nhưng một đám cháy lớn như thế lại không thiêu đốt nổi.

Nhân viên cứu hộ đã ngỡ ngàng mà thốt lên: “Cái nhà này hẳn phải rất có phúc”. Đám cháy lớn đã thiêu rụi gần như tất cả tòa nhà cao tầng nhưng lại chừa lại căn phòng này.

Nhân viên phòng cháy còn nói: “Khi phun nước, tôi không nhìn thấy căn phòng này. Dường như căn phòng bị biến mất, do đó ngọn lửa lớn tầng dưới không thể thiêu đốt tới căn phòng này được”.

Tôi nghĩ trong phòng của tôi có hơn 1000 cuốn sách quý.

Đến ngày khai giảng, tôi dẫn các con đi mua sách. Chúng tôi đi ngang qua quầy xem bói của vị tiên sinh kia. Lúc nhìn thấy mấy đứa trẻ, ông đã ôm chặt lấy chúng, vô cùng kích động nói: “Sao các cháu vẫn còn sống? Sao các cháu vẫn bình an vô sự?”.

Thì ra, vị thầy xem trong mệnh thấy rằng, mấy đứa nhỏ lương thiện này không thể sống qua mùa hè và chúng sẽ bị chết bởi hỏa hoạn. Do đó lúc trước ông mới không ngớt lời nói rằng “ông Trời không có mắt” như thế. Lúc đó, ông đã khóc đến mức không muốn dọn quán nữa mà ra về.

Dù biết trước sự việc, nhưng ông không thể làm gì, giống như người bất lực. Nhưng có lẽ do bản tính lương thiện, mấy đứa nhỏ gặp đại nạn không chết.

Có một mẫu người, thầy tướng số không thể xem đúng mệnh được
Tuy mệnh đã hết nhưng có lẽ do bản tính lương thiện mà mấy đứa nhỏ gặp đại nạn không chết. (Ảnh minh họa qua facebook)
Nói về số sách quý trong nhà, tôi đã mua chúng ở một tiệm sách cũ. Cũng vì muốn giúp đỡ ông lão bán sách, để ông bớt việc dọn sách ra dọn sách vào mà ảnh hưởng sức khỏe. Vậy là hàng ngày, tôi đều qua tiệm của ông mua sách. Thật không ngờ số sách này lại cứu cả nhà tôi.

Con người khi còn sống, có một số sự tình ngoài ý muốn mà chúng ta không thể đoán trước được, cũng không giải thích nổi. Gặp đại nạn không chết, có lẽ vì chúng tôi đã sống theo lời Thần Phật dạy, sống thiện lương, giúp đỡ người khác và nghĩ cho người khác. Con người luôn tính toán mọi sự nhưng lại thường tính không trúng. Bởi vì chúng ta không biết rằng ông Trời đã có sự sắp đặt của riêng mình.

Trong suốt cuộc đời, tôi nhận thấy rằng con người thật sự quá nhỏ bé, không thể tự mãn mà coi mình hơn hết thảy, càng không nên quá tự tin. Bởi vì con người nhìn không thấy Thần Phật nhưng các Ngài lại nhìn con người rõ như lòng bàn tay…

(Sưu Tầm)

CẢI THIỆN HẬU VẬN CUỘC ĐỜI



Một ngày nọ, người vợ có mái tóc dài bảo chồng hãy mua cho bà một chiếc lược mới để bà chải tóc được gọn gàng hơn. Người chồng đã xin lỗi và từ chối bà. Ông nói rằng mình còn không có đủ tiền để sửa chiếc đồng hồ đeo tay bị hỏng. Người vợ nghe vậy và không nói gì thêm.

Hôm sau người chồng đi làm, ông qua tiệm đồng hồ và bán chiếc đồng hồ của mình với giá rẻ để mua chiếc lược mới cho vợ.

Buổi tối, ông vui vẻ ngồi đợi vợ ở nhà với chiếc lược mới trên tay.

Tuy nhiên, một lúc sau, ông vô cùng sửng sốt khi thấy vợ xuất hiện với một mái tóc ngắn. Thì ra bà đã bán mái tóc của mình đi để mua cho ông chiếc dây đồng hồ mới.

Những giọt nước mắt rơi trên má họ, không phải vì những việc họ làm là vô ích, mà vì tình yêu sâu sắc mà họ dành cho nhau.

Sưu tầm

CHIẾC LƯỢC TÌNH YÊU




Có một chàng trai trẻ chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Cậu thích chiếc xe thể thao rất đẹp ở một đại lý xe hơi đã nhiều tháng và cậu biết là bố cậu có đủ khả năng mua nó nên cậu đã nói với bố về ước muốn của mình.

Và ngày lễ tốt nghiệp cũng đã đến, chàng trai đợi tin về chiếc xe từ bố. Cuối cùng trong buổi sáng của buổi lễ tốt nghiệp,người bố cũng gọi cậu vào phòng làm việc của ông. Ông nói rằng ông rất tự hào khi có một cậu con trai giỏi giang và ông rất yêu cậu. Sau đó ông trao cho con trai một hộp quà được gói rất đẹp.

Tò mò nhưng hơi thất vọng, chàng trai trẻ mở chiếc hộp ra và thấy một quyển kinh thánh được bọc bằng da. Chàng trai tức giận lớn tiếng với bố “ Tiền của bố chỉ có thể cho con một quyển kinh thánh đó ư?” và đùng đùng bỏ đi để lại quyển kinh thánh.

Nhiều năm trôi qua và chàng trai trẻ giờ đây rất thành công trong việc kinh doanh của mình.

Cậu đã có một ngôi nhà đẹp và một gia đình tuyệt vời,nhưng cậu nhận ra bố cậu đã già, cậu nghĩ có lẽ mình nên đi thăm bố. Cậu đã không gặp ông từ ngày lễ tốt nghiệp. Trước khi cậu có thể sắp xếp công việc để về thì cậu nhận được điện tín báo rằng bố cậu đã qua đời và di chúc lại toàn bộ tài sản cho cậu. Cậu cần phải về ngay lập tức để lo liệu mọi thứ. Khi về đến ngôi nhà của bố, một nỗi buồn pha lẫn tiếc nuối bất chợt ngập tràn trong trái tim cậu.

Cậu bắt đầu tìm kiếm những giấy tờ quan trọng của bố và thấy quyển kinh thánh vẫn còn mới mà cậu đã để lại cách đây nhiều năm. Cậu vừa khóc vừa mở quyển kinh thánh và bắt đầu lật từng trang giấy. Khi đọc đến những lời đó thì môt chiếc chìa khoá rơi ra từ chiếc phong bì đính đằng sau quyển kinh thánh.

Nó có đính tên của người bá n xe hơi trùng với người bá n chiếc xe thể thao mà cậu ao ước. Ở phần đính kèm là ngày cậu tốt nghiệp cùng với lời… ĐÃ TRẢ ĐẦY ĐỦ.

***

Đã bao nhiêu lần chúng ta bỏ lỡ những phúc lành mà Chúa ban tặng chỉ vì chúng không được chuyển đến như cách mà chúng ta mong đợi?

Sưu Tầm

CHUYỆN CẢM ĐỘNG

- Copyright © Cõi Hoang Đường - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -